Hotline: 1800 6645
Bấm gọi ngay

Vay tiền mua nhà: 8 Lưu ý không thể bỏ qua

Vay tiền mua nhà hiện nay là hình thức rất phổ biến bởi căn nhà là tài sản giá trị lớn cần tích cóp rất lâu mới có thể mua được. Mặc dù việc vay tiền mua nhà không mới mẻ nhưng vẫn còn rất nhiều hộ gia đình dính vào cái “bẫy” ngân hàng để rồi bị “siết nợ”.

Hiện nay hầu hết các ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank, VP Bank, MB Bank,… đều có chương trình hỗ trợ vay tiền để mua nhà, hoặc vay tiền mua nhà trả góp và thường được chào với lãi suất thấp và thủ tục nhanh gọn.

Hầu hết người Mỹ mua nhà nhờ khoản tiền vay của ngân hàng, còn ở Việt Nam, chỉ khi tích cóp đủ tiền mới mua nhà, tất nhiên, không phải người Mỹ không biết cách kiếm tiền hay tích lũy tiền mà họ tự “tiến hóa” để trở thành con nợ thông minh, tự quản lý được tài chính bằng những bí kíp đơn giản.

Dưới đây là những lưu ý khi vay tiền mua nhà cho các gia đình, hãy cân nhắc các yếu tố dưới đây trước khi quyết định có nên vay tiền ngân hàng để mua nhà không nhé.

1. Không vay quá 50%

Ngân hàng có thể cho bạn vay tới 70-80% giá trị căn nhà, tức là bạn cần có 20-30% sẵn rồi. Việc không vay quá 50% giá trị căn nhà giúp áp lực trả gốc và lãi của gia đình bạn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều, đặc biệt với các gia đình trẻ, sau 1 thời gian khi gia đình phát sinh thêm thành viên mới có thể biến mức chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình tăng lên nhanh chóng, gây áp lực cho việc trả nợ cho ngân hàng.

Tỉ lệ vàng khi đi vay ngân hàng chỉ khoảng 30-40%, giúp gia đình bạn đảm bảo sinh hoạt và dư dả các khoản phát sinh trong cuộc sống đồng thời tránh được bẫy lãi suất của các ngân hàng.

2. Chú ý lãi suất ngân hàng

Một trong những vấn đề của ngân hàng đó là “Vốn cố định, lãi thả nổi”. Hầu hết các ngân hàng đều mời người vay với lãi suất ưu đãi từ 7.5-8%/năm. Tuy nhiên đây chỉ là mức lãi suất trong khoảng 6 tháng – 1 năm đầu tiên, sau thời gian này mức lãi suất thường tăng từ 3,5-4%.

Đây là một trong những vấn đề mấu chốt, nếu không chú ý kỹ lãi suất thay đổi theo các năm sau gia đình bạn sẽ rơi vào bẫy lãi suất một cách dễ dàng. Việc cần làm là hãy yêu cầu nhân viên tư vấn rõ cho bạn về mức lãi suất này trong các năm tiếp theo.

3. Duy trì thu nhập

Việc duy trì thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng là điều vô cùng quan trọng bởi đây là cơ sở để giúp gia đình bạn có thể trả lãi cho ngân hàng. Bên cạnh đó việc gia tăng các khoản thu từ các nguồn thu khác cũng chính là yếu tố cần chú ý đến giúp bạn có thêm nhiều khoản thu nhập đề phòng trong tương lai.

4. Tự tính khả năng thanh toán

Không chỉ có mua nhà, việc mua bất kỳ tài sản nào như ô tô, điện thoại, laptop trả góp bạn cũng cần tính toàn tới khả năng thanh toán trong tương lai. Lúc này bạn cần:

  • Khả năng 1: Số tiền đang có, thu nhập hàng tháng của gia đình sau khi đã trừ đi hết các loại chi phí
  • Khả năng 2: Số tiền có thể vay được của người thân, bạn bè với mức lãi suất thấp hoặc lãi suất bằng 0
  • Khả năng 3: tính toán số tiền cần thanh toán hàng tháng và đảm bảo số tiền có thể chi trả nằm trong tầm kiểm soát.

5. Mua nhà phù hợp với điều kiện

Trong trường hợp đi vay tiền mua nhà, đừng mua các căn hộ có giá trị quá lớn, không phù hợp với gia đình bởi việc lựa chọn căn nhà có diện tích lớn, số tiền bạn cần vay sẽ nhiều hơn, áp lực trả nợ ngân hàng sẽ lớn hơn, kèm theo đó là những khoản tiền phải trả không cần thiết.

6. Chú ý tới thời hạn gói vay

Thời hạn của gói vay ngân hàng cũng là một trong những yếu tố cần chú ý bởi khi vay ngân hàng trên 5 năm thì lãi suất thường giống nhau, hãy chọn gói vay có thời gian lâu nhất để giảm số vốn gốc hàng tháng.

7. Chú ý lãi suất thả nổi

Lãi suất thả nổi khiến nhiều gia đình phải trả cao hơn tới 30% khiến gia đình bạn không kịp xoay sở cho khoản tiền trả lãi ngân hàng. Việc cần làm là bạn cần chuẩn bị 150% số tiền phải trả ngân hàng sau khi đã trừ hết các khoản chi phí để có thể đối mặt với lãi suất thả nổi bất ngờ tăng lên.

8. Chú ý khoản phạt khi trả trước

Một trong những vẫn đề cực kỳ phổ biến mà gần như ai vay tiền ngân hàng để mua nhà cũng gặp phải đó là việc thanh toán trước hạn trong 5 năm đầu. Nghe có vẻ khá phi lý nhưng thực tế hầu hết các ngân hàng đều áp dụng mức phạt từ 1-3% khi khách hàng thanh toán sớm.

Một số ngân hàng đưa mức lãi suất thấp thường sẽ kèm theo mức phạt cao hơn để bù lại khoản lỗ do cho vay lãi suất thấp ban đầu gây ra. Vì vậy kinh nghiệm ở đây là lựa chọn các ngân hàng cho vay với mức phạt thấp hoặc không bị phạt sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm rất nhiều.